Với đề xuất không tính giá đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, đất sẽ được trả về lại nhà nước để sử dụng cơ chế thuê đất hoặc đấu giá quyền sử dụng đất sau khi cổ phần hóa xong.
Như đã thông tin, hôm 17/5, Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) đã phối hợp cùng Tạp chí Tài chính tổ chức Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp”.
Tại hội thảo, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã chỉ rõ một số tồn tại vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn hiện nay.
Đầu tiên là tiến độ chậm, chưa đạt kết quả đề ra theo đề án mà Chính phủ đã ban hành; cũng như nguồn thu cổ phần hóa chưa đạt yêu cầu.
Bộ trưởng Tài chính cho biết, kế hoạch thu từ cổ phần hoá, thoái vốn DNNN mà Quốc hội giao trong năm 2021 là hơn 40.000 tỷ đồng, nhưng hết năm 2021 chỉ đạt chưa đầy 2.000 tỷ đồng.
Điều này "cho thấy tốc độ cổ phần hóa rất chậm", ông Phớc nói.
Bộ trưởng Phớc cũng cho rằng, thời gian qua việc xác định giá trị của doanh nghiệp còn chưa chính xác mà rủi ro lớn nhất là vấn đề xác định giá trị quyền sử dụng đất.
“Giá trị quyền sử dụng đất hiện nay có nhiều quan điểm, nhưng theo văn bản trước đây thì tiền thuê đất hàng năm thì không tính vào giá trị doanh nghiệp, nhưng tiền thuê đất 1 lần thì lại tính. Thế nhưng, bất cập là việc thuê đất 1 lần khi xác định thì không sát giá trị tại thời điểm xác định.
Thứ hai, sau khi chuyển vào giá trị cổ phần hóa hôm nay dù có sát giá trị thì sau 5 năm, 10 năm… vẫn có khoảng cách. Đây cũng là một lỗ hổng gây thất thoát, chưa nói đến việc nộp tiền thuê đất một lần thì doanh nghiệp cổ phần hóa có thể chuyển quyền sử dụng đất để làm nhà đô thị, hay công trình khác…”, Bộ trưởng nhận định.
Ngoài ra, ông Phớc cũng nêu một số tồn tại trong sắp xếp nhà đất chưa có quy định rõ ràng như: xác định lợi thế thương mại, vấn đề liên danh liên kết Thêm vào đó, vai trò của người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước thời gian qua quyết tâm chưa cao nên tiến độ chưa đạt yêu cầu.
Bộ trưởng cũng cho biết, sắp tới Chính phủ sẽ lựa chọn 5 thành phố trực thuộc trung ương để phê duyệt phương án sắp xếp đất đai trên địa bàn. Đồng thời, sẽ chọn một vài doanh nghiệp thí điểm về niêm yết giao dịch trên thị trường chứng khoán khu vực và thế giới, đảm bảo tính minh bạch, cạnh tranh.
Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, ông Phớc thừa nhận cần phải sửa đổi chính sách. Đồng thời, Bộ trưởng cục nêu ra vấn đề việc xác định giá trị quyền sử dụng đất, trong đó giá trị quyền sử dụng đất có tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa không?
Đáng chú ý, đề xuất không tính giá đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa đã nhận được sự đồng thuận của một số đơn vị là đại diện chủ sở hữu; đại diện lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khi được đưa ra tại hội thảo trên.
Thay vào đó, khi cổ phần hóa, đất sẽ được trả về lại nhà nước để sử dụng cơ chế thuê đất hoặc đấu giá quyền sử dụng đất sau khi cổ phần hóa xong.
Cụ thể, đồng tình với đề xuất loại đất đai ra khỏi giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng đưa đất vào gây khó cho doanh nghiệp, bởi giá thị trường nay thế này mai thế khác và thay đổi liên tục. Doanh nghiệp làm rất lo bị sai do chính sách không rõ chứ không phải doanh nghiệp muốn làm sai.
Còn theo nhận định của TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, lâu nay dường như chúng ta không bán doanh nghiệp mà bán đất. Nhiều sai phạm liên quan cũng liên quan đến đất. Vì vậy, để giảm vi phạm, nhiều người phải vào tù thì nên tách đất đai ra khỏi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Điển hình của việc trì trệ cổ phần hóa do những vướng mắc liên quan đến đất đai là trường hợp của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank).
Agribank nằm trong danh sách các doanh nghiệp phải hoàn thành cổ phần hóa giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 26/2019 của Thủ tướng, nhưng tới nay chưa thể thực hiện do vướng mắc về đất đai.
Trong đó, lộ trình cổ phần hóa Agribank phụ thuộc vào quá trình phê duyệt phương án sắp xếp cơ sở nhà, đất của Agribank tại các tỉnh, thành phố.
Với 80 cơ sở nhà đất hiện chưa được Bộ Tài chính phê duyệt, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo, hướng dẫn Agribank rà soát lại để xây dựng, đề xuất phương án sắp xếp theo quy định nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa.
Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cũng đã đề nghị NHNN tập trung hoàn thành cổ phần hóa Agribank trong năm 2022 và đầu năm 2023. Theo đó, tỷ lệ nhà nước nắm giữ sau cổ phần hóa là 51%, còn số thu dự kiến từ cổ phần hóa theo mệnh giá là 19.847 tỷ đồng.
Theo Nhịp Sống Doanh Nghiệp
Công Ty CP Đầu Tư & Thẩm Định Quốc Tế Đông Dương (INA)
Vui lòng chia sẻ với chúng tôi một số thông tin của bạn, chúng tôi sẽ liên hệ với bạn khi có yêu cầu